Header Ads

5 Điều Cần Nhớ Khi Bước Chân Vào Con Đường Nhiếp Ảnh Tự Do


Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang được nhắc đến rất nhiều và nó cũng đang có những bước tiến thực sự. Nhiếp ảnh Việt Nam ngày nay cũng không gò bó vào một ảnh viện với việc chụp cưới. Nhu cầu có những tấm hình và đoạn clip ngoài kia ngày càng cao. Vậy anh chị em đam mê chụp ảnh có nên nghĩ đến việc khởi nghiệp và kiếm tiền từ "sở thích" không? Câu trả lời trong 5 điều dưới đây:

1. Đừng phung phí, hãy tận dụng:
Ngày này, một chiếc máy ảnh làm được nhiều thứ từ chụp ảnh chất lượng cao và quay phim 4K. Phụ kiện cho ngành chụp ảnh và quay phim đang được "xã hội hoá" nhiều hơn, nhiều lựa chọn hơn. Việc sắm bộ máy ảnh ống kính và các phụ kiện phục vụ quay phim không phải quá xa vời. Trong anh chị em chắc không ít người đã bỏ ra một số tiền không nhỏ lắm để "sắm sửa" đầy đủ cho việc "chơi" ảnh của mình.

Hằng ngày, anh chị em lên các diễn đàn, trang web và mạng xã hội tự trau dồi, học hỏi rất nhiều kiến thức về nhiếp ảnh cũng như các cuối tuần bỏ thời gian đi chụp, đi offline để rèn luyện thêm kỹ năng chụp ảnh rất nhiều. Có những anh em mà người viết luôn bắt gặp trong các buổi nói chuyện về nhiếp ảnh của Camera TInh Tế. Thời gian và công sức anh em bỏ ra cho đam mê là rất nhiều.

Vậy chỉ dừng ở đam mê có nên hay không khi tiền bạc, công sức, thời gian được bỏ vào một thú vui?
NÊN: Nếu nó giúp cho anh em giải tỏa được áp lực công việc, cuộc sống và diễn tả được góc riêng của mình.
NHƯNG: Sẽ là lý tưởng khi anh chị em có thể kiếm được chút thu nhập từ "sở thích" để nuôi lại "sở thích" với việc tái trang bị máy móc, thiết bị từ thù lao của những "job" chụp không quá cầu kỳ.


Mua máy, đi xa chụp chỉ để vui thì hơi phí. Nên tận dụng.

2. Loại bỏ "ảnh chùa":
Đã không ít lần, người viết bài đọc được những dòng chia sẻ trên các trang mạng xã hội của một số bạn bè hay đi du lịch và thích chụp ảnh là ảnh của họ bị công ty lữ hành này ăn cắp, hãng du lịch kia lấy để quảng cáo.

Anh em có kỹ năng chụp đẹp, có nghiên cứu kỹ trước nơi sẽ đến như thời gian nào đi, đến lúc nào để chụp cái gì cho thật đẹp, mang theo bộ máy móc khoảng 5kg và trở về tải ảnh lên facebook kiếm like. Nếu hên hơn, nhận được một cú điện thoại với giọng ngọt lịm: anh ơi cho em xin ảnh. Còn nếu buồn hơn thì viết những lời giận dữ trên mạng xã hội sao khi bị ăn cắp ảnh.

Cuộc chơi phải vui vẻ, đã có công tìm hiểu, đi đến những nơi cảnh đẹp hiếm có thì cũng mong anh em vui vẻ có thêm ít thù lao, đừng để thú vui giải trí trở thành nỗi bực.

3. Đáp ứng nhu cầu:
Ngay ở đầu bài viết đã đề cập đến phong trào khởi nghiệp. Các bạn có đam mê nhiếp ảnh lớn lao có thể khởi nghiệp với cái máy ảnh. Và xung quanh bạn, nhiều người cũng đang khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác, họ đang có nhu cầu rất lớn về hình ảnh. Đa phần họ không thể trả tiền quá nhiều cho các cuộc họp của các agency, admin của agency, nhân sự của agency và vân vân được tính vào phí chụp hình.

Một nhu cầu chụp hình đơn giản, họ biết bạn chụp đẹp. Door to door. Tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Như cầu về nhiếp ảnh cực kỳ đa dạng. Người viết bài cũng đã từng chụp ảnh cho một vài trang facebook bán dép, cho đến trang web bán ly giấy. Hãy làm cho các trang facebook quanh bạn bớt nhàm chán bởi hình ảnh chụp từ điện thoại của chị em. Cầm máy ảnh cùng kiến thức của mình, chụp những tấm hình đẹp hơn.

4. Chơi là phải tiến bộ:
Đặc điểm tuyệt vời nhất của một freelance photographer là anh ta có thể chọn job theo ý. Nếu bạn chú ý vào chụp ảnh tĩnh vật, đồ ăn...hãy nghiên cứu và lên plan cho việc chụp. Vì ở ngoài kia, rất nhiều job đang chọn bạn. Chẳng quá cầu kỳ, bạn có thể chụp ly nước cho quán cà phê của người quen trong khi một "thợ" chuyên chụp cưới họ chẳng có thời gian nghiên cứu hay theo đuổi thể loại nhiếp ảnh mà họ thích.

Đừng nghĩ thích thì chụp, cỡ đó được rồi, giải stress thôi. Chơi bất kì môn gì cũng nên nghiên cứu đến cùng và tiến bộ trong bộ môn đó, và trở thành freelance photographer là một cơ hội để khám phá, để tiến bộ.


Trước giờ toàn chụp streetlife, nhưng khi nghiên cứu chụp chân dung một thời gian cũng đã nhận chụp như một freelance.

5. Tính chuyên nghiệp:
Chẳng có cuộc chơi nào lại đầu tư tốn kém về vật chất, thời gian như nhiếp ảnh. Nhưng nếu cứ cất máy vào tủ chống ẩm, một tháng mang ra chụp một vài tấm, rồi lại cất tủ thì đây không còn là cuộc chơi mà sự lãng phí.

Không có sự nghiên cứu thể loại nhiếp ảnh mình theo đuổi, không có những lúc chụp thực tập cũng như không chụp thử theo yêu cầu của một ai đó cao hơn những gì bạn đã biết thì thời gian bỏ ra khá lãng phí. Bỏ tiền, thời gian ra học các lớp nhiếp ảnh, chỉnh hình các bạn sẽ có sự tiến bộ vượt bậc. Có những thứ người ta chẳng mang lên mạng để chỉ cho tất cả mọi người.

Dũng cảm nhận job để áp dụng những gì mình học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng còn hơn là học lỏm được vài điều rồi nhận chụp free đám cưới cho bạn bè mà ngày giao hình, người bạn đó không biết nên cười hay mếu. Và khi đã chụp nhận tiền, bạn sẽ nghiên cứu giá thị trường. Điều này tránh cho bạn nhận free một job, hoặc nhận job với giá "phá giá" làm ảnh hưởng đến những tay máy khác. Hãy chuyên nghiệp hơn trong cuộc chơi.


Mua máy móc, tham gia offline, có kiến thức nhiếp ảnh nên "tái đầu tư" bằng cách kiếm tiền từ thú chơi.

Trên đây là 5 lý do để bạn chú tâm với thú chơi nhiếp ảnh của mình hơn và biến thú vui này thành cuộc chơi chuyên nghiệp, có thể đáp ứng phần nào việc "chạy đua vũ trang" bằng thu nhập của chính thú vui này mang lại. Còn nếu như bạn không muốn trở thành freelance photographer, hãy đừng nhận free những công việc mà người khác có thể làm tốt hơn khi nhận thù lao.
Nguồn: Tinhte
Có thể bạn quan tâm:

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.