Header Ads

Top 5 Chiếc Máy Ảnh Sony Ấn Tượng


Trải qua khoảng 12 năm phát triển, dòng máy ảnh Sony Alpha đã tạo được dấu ấn trong người dùng bởi nhiều yếu tố thuyết phục. Nhờ việc mua lại bộ phận sản xuất máy ảnh của Konica-Minolta mà hãng điện tử Nhật Bản đã xây dựng một hệ sinh thái máy ảnh gắn ống kính chuyên dụng, góp phần đưa tên tuổi của Sony vào top những nhà sản xuất máy ảnh lớn nhất thế giới, đặc biệt là phân khúc sản phẩm không gương lật (mirrorless camera).

Trong bài viết này, chúng ta cùng nhìn lại những chiếc máy ảnh Sony Alpha mang dấu ấn của Sony và có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của những sản phẩm tiếp theo.

#1: Sony Alpha A900 (9/2008)

A900 là chiếc máy ảnh full-frame đầu tiên của Sony giúp thương hiệu đến từ Nhật lọt vào danh sách những nhà sản xuất máy ảnh hiếm hoi trên thị trường sử dụng cảm biến KTS kích thước full-frame. Ở thời điểm đó, Nikon D700 là chiếc máy ảnh DSLR mới nhất được ra mắt có giá bán khoảng 3.000 USD, tốt hơn rất nhiều so với dòng chuyên dụng D3 hay EOS-1Ds Mark III của Canon.



Người dùng khá ấn tượng với A900 của Sony khi nó sở hữu cảm biến ảnh lên đến 24.6 MP, độ phân giải cao nhất của cảm biến full-frame vào thời điểm đó. Kết hợp với dải ống kính Sony hợp tác cùng Carl Zeiss đem lại chất lượng hình ảnh với độ sắc nét ấn tượng. Tuy nhiên, Sony A900 không có thế mạnh về khử nhiễu cũng như dải ống kính A-mount khá khiêm tốn so với các đối thủ.


Dù có khá nhiều ống kính ở những tiêu cự phù hợp, song đa phần A-mount vẫn chưa thuyết phục người dùng phổ thông vì giá bán cũng như người dùng chuyên nghiệp bởi những đòi hỏi cao.​

Dù sao việc Sony tham chiến ở phân khúc máy ảnh full-frame cũng khiến Nikon, Canon phải để mắt đến phân khúc sản phẩm này: máy ảnh full-frame tính năng cơ bản với giá bán hợp lý.

#2: Sony SLT-A55 (8/2010)

Sony cho rằng họ không thể có được thế mạnh trong phân khúc sản phẩm DSLR truyền thống với các đối thủ. Vì vậy cách để cạnh tranh tốt hơn là tạo ra một dòng sản phẩm ấn tượng hơn nhờ thế mạnh công nghệ.

Sony A55 đã ra mắt với ngàm ống kính Minolta A quen thuộc nhằm tận dụng hệ ống kính hiện có. Tuy vậy A55 lại sử dụng cấu trúc gương phản xạ không lật được gọi là translucent mirror. Tấm gương cố định được đặt trước cảm biến có khả năng chia một phần ánh sáng rọi lên bộ cảm biến lấy nét theo pha riêng (Phase Detection). Hình ảnh cảm biến thu được vẫn lọt qua lớp gương chắn trong suốt khi nhìn góc chéo đủ để Sony thực hiện hai tính năng mà các đối thủ không có: lấy nét tự động trong chế độ chụp live view và quay phim.



Chiếc máy A55 có thể chụp liên tục 10 fps, luôn vượt trội hơn các đối thủ cùng phân khúc cùng khả năng lấy nét không thua kém công nghệ DSLR truyền thống. Chưa kể hãng cũng nhanh chóng áp dụng chuẩn quay phim Full HD 60 fps mà Canon phải đến thế hệ EOS 80D (2/2016) mới tích hợp. Giờ đây, máy ảnh Sony rất được giới videographer đánh giá cao và lựa chọn.

Cho đến nay, mẫu máy ảnh mới nhất thuộc dòng translucent mirror là A99 II vẫn dựa trên những gì mà A55 đã có. Tuy nhiên nó còn thừa hưởng thêm công nghệ lấy nét lai tương phản kết hợp với theo pha trên cảm biến từ dòng mirrorless. Như vậy những người sở hữu ống kính Minolta hay Sony A-mount vẫn có hai lựa chọn máy ảnh DSLT gồm A77 II và A99 II.

#3: Sony NEX-7 (8/2011)

Chiếc máy ảnh mirrorless đầu tiên sở hữu cảm biến APS-C không phải đến từ Sony, mà là Samsung NX10. Tuy vậy số phận người làm đầu tiên và người làm tốt hơn thì đã rõ ràng. Sony hiện đang là nhà một trong số những hãng sản xuất máy ảnh mirrorless lớn nhất thế giới. Và NEX-7 chính là đại diện cho một thế hệ máy đậm chất công nghệ của Sony.

Định hướng của mirrorless camera chính là những chiếc máy ảnh nhỏ gọn, tạo ra những bức ảnh chất lượng cao với cảm biến lớn. NEX-7 đã làm rất tốt điều này khi được tích hợp cảm biến 24.3 MP, cảm biến độ phân giải rất lớn trong kích thước rất nhỏ gọn của máy. Ngoài ra hệ thống điều khiển Tri-Navi của NEX-7 vào thời điểm đó được đánh giá là nhiều tiện ích nhất bởi khả năng điều khiển dễ dàng với 3 bánh xe xoay điều khiển. Cho đến nay, máy ảnh full-frame mirrorless đã nhiều nút hơn nhưng không thể phủ nhận vai trò của chiếc máy này khi không cần tích hợp quá nhiều nút mà vẫn có thể điều khiển nhiều chức năng.

Tất nhiên, NEX-7 là sản phẩm flagship của Sony lúc đó nên được hãng rất trau chuốt: từ thiết kế bộ kit hộp đen với cách bày trí sang trọng, cho đến những trang bị cao cấp như kính ngắm OLED, quay phim Full HD 60 fps, chân đèn flash giống máy ảnh DSLR và cổng mic dành cho quay phim.


Có lẽ tới thời điểm này người dùng Sony A6000 chỉ mong có được cổng mic của NEX-7 để khỏi phải nghĩ đến chiếc A6300 vì không cần quay phim 4K.

#4: Sony A6000 (2/2014)

Chiếc máy ảnh ra mắt không rầm rộ này lại đem đến cho Sony một doanh số khủng nhất từ trước đến nay. Mức độ phổ biến của A6000 không phải bàn cãi vì những sản phẩm mới ra mắt của Sony về sau thì luôn có những công nghệ mới từ những người tiền nhiệm.


A6000 trở thành chuẩn mực của máy ảnh mirrorless từ thời điểm ra mắt (2/2014) cho đến giờ đã gần 4 năm mà vẫn chưa ngừng sản xuất. Trong đó phải kể đến hệ thống lấy nét 4D Focus là điểm mạnh của A6000 khi đem lại tốc độ đáp ứng nhanh khi lấy nét nhờ 3 yếu tố: độ phủ vùng lấy nét rộng khi phân tích từng khung hình 2D, khả năng phân tích khung hình chuyển động 3D và nắm bắt theo chủ thể. Nếu bạn chưa biết thì cả series A7, A7 II đều không có công nghệ lấy nét này. Chỉ đến khi Sony A7R III và mới đây là A7 III mới được Sony tích hợp vào.

A6000 từng được Sony nâng cấp firmware lên chuẩn XAVC S HD (50 Mbps) cho chất lượng video bitrate cao bên cạnh chuẩn 60 fps quen thuộc. Ngoài ra nó cùng là dòng máy Alpha có nhiều lựa chọn màu sắc bên ngoài nhất, và cũng đang nắm giữ kỷ lục chu kỳ sản phẩm dài nhất của hãng.

Những thông số kỹ thuật của A6000 cho đến thời điểm này vẫn được những người quan tâm so sánh cùng những máy ảnh mới ra mắt gần đây. Chỉ đơn giản mức giá bán ra tại Việt Nam dưới 13 triệu cho máy + ống kính là quá tốt để bạn có thể sở hữu một chiếc máy ảnh mirrorless cảm biến APS-C với đầy đủ tính năng, chỉ trừ quay phim 4K mà thôi.


#5: Sony A7R II (6/2015)

Nếu A7S ấn tượng với dải ISO siêu cao thì Sony A7R II mới thực sự là chiếc máy mang dấu ấn công nghệ của Sony. Chiếc máy ảnh này lần đầu tiên sở hữu cảm biến BSI-CMOS 42MP kích thước full-frame, công nghệ cảm biến có mặt trên chiếc Cyber-shot WX1 vào năm 2009 hay Apple iPhone 4 vào năm 2010. Bây giờ BSI-CMOS đã trở thành tiêu chuẩn trên cảm biến máy ảnh compact và smartphone nhưng để các hãng máy ảnh đưa nó lên chuẩn APS-C hay full-frame rộng rãi hơn thì còn phải một thời gian dài nữa.

A7R II cũng mang dấu ấn trong việc cải tiến khả năng quay phim của Sony trên dòng mirrorless khi bộ xử lý BIONZ X với cơ chế ghi nhận tất cả các điểm ảnh mà không dùng thuật toán gom điểm ảnh (pixel binning), tạo ra video 4K ghi trực tiếp vào thẻ nhớ với tỉ lệ khung hình bị crop thấp nhất khi so sánh diện tích cảm biến với các máy tương tự (trừ dòng Panasonic GH). Ngoài ra Sony cũng đưa các profile màu trên dòng máy quay chuyên dụng giúp người dùng dễ dàng hậu kỳ tốt hơn, khai thác dải dynamic range rộng của máy. Bên cạnh đó, A7R II cũng sở hữu hệ thống chống rung cảm biến từng có mặt trên dòng DSLR A-mount, nhưng cải tiến nó lên thành 5 trục.​


Rõ ràng, A7R II là nền tảng để Sony tạo ra chiếc máy sony A9 với cảm biến Stacked BSI-CMOS cao cấp hơn, cũng như khẳng định vị thế của một nhà sản xuất cảm biến ảnh hàng đầu thế giới.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.