Nga phát triển vũ khí bí mật đối phó không quân Mỹ
Hệ thống tác chiến điện tử mới của Nga có khả năng bẻ gãy liên kết dữ liệu, khiến các chiến đấu cơ Mỹ không thể phát huy ưu thế tác chiến.
Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến - Điện tử Nga (KRET) đang thử nghiệm một hệ thống gây nhiễu mặt đất mới, được thiết kế để sử dụng kết hợp với các hệ thống phòng không tối tân của Nga như S-300V4 hay S-400, đủ sức bẻ gẫy các liên kết dữ liệu quan trọng giúp chiến đấu cơ Mỹ hoạt động, theo National Interest.
Một nguồn tin từ tập đoàn tiết lộ với hãng thông tấn TASS rằng, hệ thống này gồm các mô đun gây nhiễu riêng biệt có khả năng tấn công hệ thống chỉ huy và kiểm soát ở khoảng cách xa hơn nhờ sử dụng tổ hợp tín hiệu kỹ thuật số. Khi các kết nối dữ liệu quan trọng bị gây nhiễu, toàn bộ lực lượng không quân Mỹ sẽ gần như bị tê liệt.
Hệ thống tác chiến điện tử mới chưa được tiết lộ danh tính này có thể tự động kết nối thông suốt với các hệ thống phòng không và liên tục chia sẻ thông tin về mục tiêu theo thời gian thực.
Hệ thống tác chiến điện tử mới của Nga cũng được thiết kế có tính bảo mật cao gồm nhiều nút phân tán. " Năng lượng, tần số và các nguồn lực thông minh của chúng được phân bố tối ưu. Ngoài ra, tất cả các mô đun đều được trang bị gói phòng thủ riêng bởi chúng là mục tiêu mà kẻ thù ưu tiên tấn công", Phó tổng giám đốc thứ nhất Igor Nasenkov của KRET nói.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar cho rằng việc phát triển hệ thống tác chiến điện tử mới này rất quan trọng với Nga, bởi sức mạnh không quân Mỹ phụ thuộc lớn vào mạng kết nối mạng dữ liệu. Lầu Năm Góc sử dụng một loạt các mạng lưới gồm gói liên kết dữ liệu Link-16 để kết nối các lực lượng với nhau theo thời gian thực. Các máy bay chiến đấu Mỹ liên tục thu thập, chia sẻ, trao đổi dữ liệu với nhau để nhận diện, tấn công mục tiêu và thực hiện các hoạt động tác chiến khác.
Nga đã theo dõi khả năng tác chiến của Mỹ kể từ chiến tranh Vùng Vịnh và rút ra những bài học từ cuộc xung đột này để đầu tư vào công nghệ đối phó với các lợi thế của Mỹ.
"Người Nga nắm được phương thức tác chiến của chúng ta", tướng không quân Philip Breedlove, chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm 25/1. "Họ đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực tác chiến điện tử bởi họ biết chúng ta phụ thuộc lớn vào kết nối mạng trong chiến đấu, và họ muốn ngắt liên kết này để chúng ta mất đi khả năng tấn công chính xác", tướng Breedlove nói.
Khả năng tác chiến điện tử Nga khiến Mỹ phải đầu tư tiền bạc và thời gian để tái thiết năng lực tác chiến điện tử. Trong phiên điều trần hôm 25/1, tướng Breedlove thừa nhận rằng việc Lầu Năm Góc lơ là mảng tác chiến điện tử trong hai thập kỷ qua đã giúp Nga chiếm được lợi thế.
Điều này đặc biệt đúng với không quân Mỹ, khi lực lượng này chỉ tập trung vào công nghệ tàng hình mà ít đầu tư vào năng lực tác chiến điện tử. Trong khi đó, hải quân Mỹ đã nâng cấp lực lượng tấn công điện tử đường không của mình bằng máy bay tác chiến điện tử EA-18G Glower của Boeing, dù những máy bay mới này vẫn phải dựa vào bộ gây nhiễu ALQ-99 lạc hậu cho đến khi thiết bị gây nhiễu thế hệ mới của Raytheon ra mắt vào năm 2021.
Mới đây, Lầu Năm Góc dường như đã chú trọng hơn vào mảng tác chiến điện tử. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đang cân nhắc khả năng xem tác chiến điện tử như là một lĩnh vực tác chiến giống như trên không, trên biển và trên bộ.
"Các hoạt động tác chiến này quan trọng đến mức chúng tôi cân nhắc coi tác chiến điện tử là môt lĩnh vực tác chiến riêng", thiếu tướng Sandra Finan, phó giám đốc Phòng thông tin (CIO) phụ trách Chỉ huy, Kiểm soát, Liên lạc và Máy tính (C4) và cơ sở hạ tầng thông tin phát biểu hôm 22/4.
"Chúng tôi đang chú trọng đến các hoạt động tấn công và phòng thủ trong lĩnh vực đó, vì thế tác chiến điện tử sẽ trở thành một trong số các lĩnh vực quan trọng nhất trong tương lai", bà Finan nhấn mạnh.
Post a Comment