Đem con bỏ chợ
TP - “Chúng tôi cảm thấy quá vất vả để bươn trải, duy trì phòng thí nghiệm trọng điểm. Nếu nhận được sự hỗ trợ, quan tâm hơn của cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tập trung được cho công việc và có cơ hội sáng tạo tốt hơn”, PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu, nói.
Vì sao đầu tư nghìn tỷ, loay hoay tồn tại?
Theo Quyết định 08 năm 2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ), PTNTĐ được đầu tư theo nguyên tắc đồng bộ, hiện đại, được Nhà nước tăng cường kinh phí hoạt động thường xuyên trong bốn năm đầu sau khi hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng. Nhà nước có cơ chế đặt hàng trực tiếp với phòng thí nghiệm trọng điểm để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dài hạn hoặc các nhiệm vụ ngắn hạn nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều PTNTĐ cho biết, họ chỉ được đầu tư trang thiết bị và cấp kinh phí thường xuyên hơn một tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra không có thêm ưu đãi gì khác.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc PTNTĐ Quốc gia về động lực học sông biển cho biết, ngoài số tiền đầu tư ban đầu là 60 tỷ đồng và số tiền hơn 1 tỷ đồng hàng năm, phòng thí nghiệm không được hưởng thêm bất cứ ưu đãi gì. “Chúng tôi không được giao đề tài dự án nào mà theo hình thức tuyển chọn chung của ngành khoa học và công nghệ. Cách đây bốn năm kêu quá nên được cứu đói bằng 2 đề tài xong thì thôi”, ông Quỳnh chia sẻ.
Ngoài ra, dù mục đích hướng đến là thành lập tập thể cán bộ khoa học và công nghệ mạnh, đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở trình độ quốc tế nhưng phòng lại không được biên chế cán bộ. “Phòng chúng tôi có 120 cán bộ thì chỉ có 40 người được hưởng lương cơ bản còn 80 người khác chúng tôi phải tự trả lương”.
Cũng nói thêm, 40 người được trả lương cơ bản là do phòng vừa là PTNTĐ vừa là viện chuyên ngành của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Tiền lương được trả cho cán bộ của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chứ không phải trả lương theo quy chế của PTNTĐ.
Ở PTNTĐ Công nghệ Gene, TS Nguyễn Trung Nam, Phó Giám đốc cho biết, việc đầu tư như hiện nay thực chất mới là đầu tư phòng trang thiết bị trọng điểm chứ chưa phải PTNTĐ. PTNTĐ phải được đầu tư cả về trang thiết bị, con người và đề tài nghiên cứu.
PTNTĐ Công nghệ Gene không được ưu ái nào trong tuyển chọn, xét duyệt các đề tài nghiên cứu, tức là theo đúng quy trình về tuyển chọn, xét duyệt đề tài hiện nay. Về con người, PTNTĐ Công nghệ Gene khi thành lập không có chỉ tiêu biên chế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phải cử một số cán bộ của viện kiêm nhiệm. Hiện cả phòng chỉ có 7 cán bộ biên chế, các vị trí còn lại là cán bộ kiêm nhiệm.
Theo PGS.TS Đồng Văn Quyền, Phó giám đốc PTNTĐ Công nghệ Gene, phòng không có đội ngũ nhân lực tốt nhất do tình trạng chảy máu chất xám. Nhiều cán bộ ra nước ngoài học tập đã không quay về do lương quá thấp. “TS Nguyễn Trung Nam đang ở Nhật với mức lương trợ lý giáo sư hơn 5.000 USD, giờ về đây lương hệ số 3.0, chỉ bằng 1/5, 1/10 nếu làm ở doanh nghiệp hoặc trường đại học tư”, ông Quyền lấy ví dụ.“Chúng tôi không có đồng lương nào, hôm nay có đề tài, nhiệm vụ hay hợp đồng thì cán bộ chúng tôi có tiền, mai không có thì không được lương”.
PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Công nghệ lọc, hóa dầu.
PGS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm Công nghệ lọc, hóa dầu cho biết, PTNTĐ của chị không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào ngoài số tiền đầu tư cơ sở vật chất ban đầu mà đến nay đã lạc hậu gần hết. “Chúng tôi không có đồng lương nào, hôm nay có đề tài, nhiệm vụ hay hợp đồng thì cán bộ chúng tôi có tiền, mai không có thì không được lương”.
Lãnh đạo một số PTNTĐ đề xuất, nên phân loại các phòng thí nghiệm theo hiệu quả hoạt động. Phòng nào hoạt động tốt thì đề xuất đầu tư giai đoạn 2, tránh để tình trạng đem con bỏ chợ như hiện nay. PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh nói “chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động, nếu tốt thì nên cho đầu tư giai đoạn 2”.
Bộ KHCN chưa đề xuất đầu tư tiếp
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, sau 15 năm hoạt động, chỉ một số phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả còn một số phòng hiệu quả thấp. Lý giải về hiệu quả hoạt động thấp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, cái dở nhất là quá trình đầu tư các PTNTĐ quá dài. Phòng thí nghiệm có thời gian đầu tư nhanh nhất là 2 năm, chậm nhất là 9 năm, trung bình là 5 năm rưỡi một phòng. Quá trình đầu tư này, Bộ Khoa học và Công nghệ không được tham gia mà do bộ chủ quản và đơn vị chủ trì phòng thí nghiệm thực hiện (trong 16 PTNTĐ chỉ có một phòng do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ quản, 15 phòng còn lại do các bộ, ngành khác chủ quản). Do vậy, thiết bị lạc hậu và thiếu đồng bộ.
Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Quân, các PTNTĐ không hoạt động đúng theo hướng mở, coi PTNTĐ là của viện mình chứ không phải mở cửa cho người khác vào sử dụng thiết bị. Họ không xây dựng đơn giá dịch vụ sử dụng thiết bị. Đơn vị khác muốn nghiên cứu lại phải mua sắm làm phòng thí nghiệm của mình dẫn đến lãng phí. Một nguyên nhân nữa là các bộ, ngành chủ quản của các PTNTĐ không thực sự quan tâm. Lãnh đạo các PTNTĐ cũng không chủ động mà ngồi chờ đề tài dự án nên hiệu quả hoạt động không cao.
Ông Quân cho biết, sau 15 năm đầu tư hầu hết các PTNTĐ đều lạc hậu, hết hạn sử dụng có thể thanh lý được rồi. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ không đề xuất đầu tư tiếp cho các PTNTĐ này nếu như không thay đổi phương pháp quản lý hiện nay.
Post a Comment